Mặc dù thời hạn đăng ký xe máy điện đã bị lùi tới 3 lần. Nhưng một số doanh nghiệp vẫn gửi đơn kiến nghị tiếp tục lùi thời hạn đăng ký xe máy điện.
Những doanh nghiệp này tự xưng là thành viên “Hiệp hội các DN sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện".
Mới đây, một số doanh nghiệp (DN) tự xưng là thành viên “Hiệp hội các DN sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam” gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ cho phép đăng ký xe máy điện được miễn các loại giấy tờ đến hết 31/12/2016, thay vì thời điểm 30/6 sắp tới. Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thực chất đây là các DN ảo và hiệp hội “ma” không hề tồn tại trên thực tế.
Hiệp hội “ma”, doanh nghiệp ảo
Nhằm tháo gỡ vướng mắc thực tế trong việc đăng ký mô tô, xe máy điện, ngành chức năng tạo điều kiện cho người dân trong thời hạn từ 6/12/2015 - 30/6/2016 khi đăng ký loại xe này được miễn thuế trước bạ, giấy chứng nhận đăng kiểm. Các trường hợp xe không nguồn gốc (không có số khung, số máy) cũng được tạo điều kiện tối đa để cấp chứng nhận đăng ký. Sau thời điểm này, thủ tục, hồ sơ cấp chứng nhận đăng ký sẽ được thực hiện như trước đó.
Theo Cục CSGT, đến nay đã có hơn 250.000 xe máy điện trên toàn quốc được cấp chứng nhận đăng ký, góp phần lập lại TTATGT. Với khoảng thời gian 7 tháng có “cơ chế thoáng” đủ để người dân, DN giải quyết những khó khăn, vướng mắc trước đây. Hiện, chỉ còn hơn nửa tháng nữa sẽ hết thời hạn ưu đãi, tuy vậy, vẫn có một số DN muốn lợi dụng sự ưu đãi này để trục lợi.
"Từ năm 2014 đến hết tháng 4/2016, có tới 147.434 xe máy điện trong nước và 488 xe nhập khẩu được cấp chứng nhận kiểm định. Sau ngày 1/7, thời điểm hết hạn được miễn giấy tờ khi đăng ký xe máy điện, Cục Đăng kiểm VN và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục phối hợp mở cao điểm kiểm tra, kiểm soát các DN sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và mua bán xe máy điện, xe đạp điện”.
Skip in 3...Ad finishes in 27 seconds
"Từ năm 2014 đến hết tháng 4/2016, có tới 147.434 xe máy điện trong nước và 488 xe nhập khẩu được cấp chứng nhận kiểm định. Sau ngày 1/7, thời điểm hết hạn được miễn giấy tờ khi đăng ký xe máy điện, Cục Đăng kiểm VN và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục phối hợp mở cao điểm kiểm tra, kiểm soát các DN sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và mua bán xe máy điện, xe đạp điện”.
Ông Nguyễn Văn Phương
Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN)
Dẫn chứng là mới đây một số DN gồm: Công ty CP Quốc tế Mỹ Đình, Công ty TNHH Bridgestone Việt Nam (Hà Nội), Công ty CP thương mại Thanh Phúc Vượng, DN tư nhân Thanh Chiến, Chi nhánh Công ty TNHH Bridgestone Việt Nam (Nam Định) có văn bản đề nghị các bộ, ngành chức năng đề xuất với Chính phủ kéo dài thời hạn cơ chế ưu đãi như trên đến hết năm 2016. Đáng nói là các DN này tự nhận là “đại diện Hiệp hội các DN sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam”.
Lý do đề xuất của các DN này là: “Từ 1/7 là thời điểm học sinh ồ ạt mua sắm xe điện làm phương tiện nhập trường. Việc giới hạn làm đăng ký xe vào thời điểm nhạy cảm trên tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ tích trữ nâng giá thành sản phẩm, gây mất ổn định thị trường… Mặt khác, với chính sách thuế nhập khẩu linh kiện xe đạp điện, xe máy điện như hiện nay, không còn ai có khả năng nhập lậu nữa vì chi phí nhập lậu còn đắt gấp đôi chi phí nhập khẩu chính ngạch. Như vậy, trên mỗi chiếc xe điện Nhà nước đã hoàn toàn thu được thuế nhập khẩu”, nội dung văn bản các DN trên nêu.
Để làm rõ đề xuất trên, PV Báo Giao thông đã cố gắng liên hệ với các DN trên, tuy nhiên gần như không có bất kỳ thông tin gì. Lần theo địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty CP Quốc tế Mỹ Đình (số 307 Bạch Mai) và Công ty TNHH Bridgestone Việt Nam (20 Nguyễn Xiển) tại Hà Nội, không hề tồn tại DN nào như vậy. Bất ngờ hơn, theo thông tin từ Cục Đăng kiểm VN, các DN trên chưa từng đăng ký kiểm định chất lượng xe máy điện, xe đạp điện và cũng không có tên trong danh sách các DN sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, đã xác minh từ các cơ quan quản lý Nhà nước và chưa có DN và hiệp hội nào như trên.
Doanh nghiệp chân chính nói gì?
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết: “Kiến nghị trên không mang tính đại diện cho cộng đồng DN sản xuất, lắp ráp xe điện và hoàn toàn không thuyết phục. Nếu không thực hiện theo đúng lộ trình quản lý chặt từ 1/7 sẽ khiến nhiều người tiếp tục mua, sử dụng xe máy điện không có đăng ký, đăng kiểm, DN tiếp tục nhập lậu xe không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, khiến việc kiểm soát càng khó khăn hơn”.
Theo khảo sát của PV tại một số cửa hàng kinh doanh xe máy điện tại 2 quận Hà Đông và Cầu Giấy (Hà Nội), dù gần hết hạn ưu đãi đăng ký cho phương tiện này, nhưng nhiều cửa hàng vẫn bày bán xe máy điện không có chứng nhận kiểm định hoặc xe đạp điện không có Tem hợp quy. Một số cửa hàng cũng gợi ý nếu khách có nhu cầu sẽ bán cho xe đã đăng ký mang tên người khác, kèm theo giấy tờ mua bán viết tay.
Trước thông tin về việc có DN kiến nghị kéo dài thời hạn miễn giấy tờ để đăng ký xe máy điện đến hết năm 2016, một số DN hoạt động trong lĩnh vực trên đã lên tiếng phản đối. Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Công ty CP liên doanh Việt Thái (Nam Định) cho biết, không đồng tình với kiến nghị của các DN nêu trên. “Việc lùi thời hạn hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, cũng như cho các DN sản xuất xe được cơ quan Nhà nước cấp phép, khi mà trên thị trường hiện tràn lan các dòng xe nhập lậu, nhái nhãn mác, không kiểm định được chất lượng”, ông Vũ nói.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô xe máy Đinh Văn Bắc (Hưng Yên) cho biết, không có chuyện các nhà sản xuất xe trong nước kiến nghị về việc gia hạn như trên. Ông Bắc cũng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT, các ngành chức năng làm sáng tỏ kiến nghị của các DN trên, giúp các DN làm ăn chân chính không bị ảnh hưởng bởi DN làm ăn bất hợp pháp.
0 nhận xét:
Post a Comment